Bến Tre: Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, chính trị - xã hội

Thứ Năm, 19/09/2019, 14:25 [GMT+7]
    Qua 5 năm triển khai Quyết định số 217-QÐ/TW và Quyết định số 218-QÐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (Quyết định 217, 218) về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, chính trị - xã hội; nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền, tại tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đi vào nền nếp, thực chất.
 
    Sau khi Bộ Chính trị ban hành các Quyết định 217, 218, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt nội dung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và ban hành nhiều công văn chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre đã cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện và tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung quy chế giám sát, phản biện xã hội; quy định Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
 
    Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre tổ chức giám sát theo kế hoạch 59 cuộc; các huyện, thành phố giám sát 168 cuộc và cấp cơ sở giám sát 803 cuộc. Ðối với hoạt động phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiến hành thành lập Hội đồng phản biện và phản biện xã hội đối với 13 nội dung văn bản dự thảo do các cơ quan Trung ương và địa phương yêu cầu; quy trình thực hiện bảo đảm đúng quy chế, quy định; công tác kiểm tra, hướng dẫn được quan tâm thường xuyên, tạo sự tham gia tích cực của các ngành, sự đồng thuận tham gia của nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát đã nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong hệ thống chính trị.
 
    Hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở cấp tỉnh, huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đúng quy trình với những góp ý, kiến nghị cụ thể. UBND cấp huyện, tỉnh có giải trình, tiếp thu, chấn chỉnh, nhất là các nghị quyết để thông qua Hội đồng nhân dân. 
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phản biện là nội dung mới, thời gian qua các đơn vị đặt hàng chưa nhiều; đối với cấp xã còn lúng túng về nội dung giám sát, phản biện xã hội, chưa có hậu kiểm. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và người dân hiểu công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp để thực hiện tốt; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề về nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, quy định về góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền cho đối tượng là cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là đối với cấp xã và ấp, khu phố; quan tâm đến hậu kiểm sau giám sát... nhằm phát huy hơn nữa hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận của nhân dân; nâng cao vị trí, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
                                                                                      Nguyễn Hiên
.