Bình Thuận: Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm

Thứ Năm, 03/01/2019, 15:16 [GMT+7]
    Sau khi Ban Nội chính Trung ương ban hành Kế hoạch số 04-KH/BNCTW ngày 19-4-2016, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 12-KH/BNCTU ngày 19-5-2016 về thi đua chuyên đề “Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính, tham nhũng” trong 03 năm (2016-2018).
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt nội dung của các kế hoạch trên cho toàn thể cán bộ, công chức cơ quan; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các phòng chuyên môn thuộc Ban triển khai thực hiện đúng kế hoạch. 
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong 9 tháng năm 2018
Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong 9 tháng năm 2018
    Số vụ án, vụ việc Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý có hiệu quả là 08 vụ (nội chính 03 vụ; phòng, chống tham nhũng 05 vụ). Trong đó, số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, tham mưu là 06 vụ; số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do Ban Nội chính Tỉnh ủy phát hiện và tham mưu đề xuất xử lý là 01 vụ; số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm mà các cơ quan tố tụng địa phương đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì tham mưu xử lý là 01 vụ.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành chức năng đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy xử lý các vụ việc, vụ án nêu trên đạt được những kết quả quan trọng; đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhanh chóng, kịp thời, không để oan sai, đúng người, đúng tội, góp phần tăng cường kỷ cương, tính răn đe, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao sự tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tạo được hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội, được nhiều tầng lớp nhân dân đồng tình. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện khá chặt chẽ, thường xuyên, qua đó công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đã được tập trung chỉ đạo có hiệu quả hơn so với trước; kịp thời chấn chỉnh khắc phục những thiếu sót trong công tác thanh tra như vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật không chuyển cơ quan điều tra; từng bước khắc phục tình trạng thiếu giám định viên hoặc chậm định giá tài sản phục vụ công tác điều tra. Từ đó tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án được đẩy nhanh hơn.
 
    Để đạt được kết quả như trên, trước tiên là nhờ vai trò của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xử lý có hiệu quả các vụ việc, vụ án. Sự đoàn kết, hỗ trợ giữa các cơ quan trong Khối nội chính tỉnh Bình Thuận trong công tác tham mưu; trong đó, vị thế của Ban Nội chính Tỉnh ủy ngày càng được nâng lên, tạo được sự tin cậy của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, sự tin tưởng của các cơ quan trong Khối khi chủ trì giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Cùng với đó là tinh thần cầu thị, tự nhìn nhận khuyết điểm và khẩn trương, chỉ đạo khắc phục các sai sót của các cơ quan trong Khối.
 
    Ngoài ra, công tác nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác của đội ngũ cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy để nghiên cứu đã góp phần tham mưu tốt cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy xử lý các vụ việc, vụ án.
 
    Qua quá trình thực hiện có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
 
    Một là, khi có vụ việc, vụ án xảy ra, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận và các cơ quan chức năng cần phải kịp thời nắm chắc thông tin, tình hình và chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương, chỉ đạo xử lý có hiệu quả tránh để lây lan thành điểm nóng, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
 
    Hai là, các cơ quan tố tụng, thi hành án cần phải kịp thời rà soát lại quy trình thực hiện, đồng thời chỉ đạo ngành mình khắc phục thiếu sót, đề ra giải pháp để thực hiện tốt hơn, đúng quy định. Trong quá trình thụ lý, giải quyết, các ngành, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sâu kỹ các quy định pháp luật có liên quan; khi gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo báo Thường trực cấp ủy cùng cấp và thỉnh thị ý kiến ngành cấp trên để định hướng giải quyết.
 
    Ba là, cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng liên quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trong phối hợp kiểm tra, giám sát vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
 
    Bốn là, các ngành, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, nhất là đối với quy định mới, lĩnh vực còn ít kinh nghiệm trong xử lý.
                                                                            Nguyễn Trịnh Hoàn
.