Hà Nội: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Ba, 17/10/2017, 22:16 [GMT+7]

Ngày 16-10, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 123-KH/TU, ngày 25-6-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau khi Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc; đồng thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, trong đó luôn coi trọng, tập trung thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Từ đó, đã huy động được sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từng bước được đẩy mạnh, hoạt động tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao…Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố, đặc biệt sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU và thành lập Ban chỉ đạo của Thành ủy về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Qua thực hiện công tác kiểm tra và chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Ban chỉ đạo, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng đã được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các ngành chức năng của thành phố ngày càng nhịp nhàng, chặt chẽ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội còn bộc lộ những hạn chế. Trước hết, chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp huyện, cơ sở còn hạn chế, có địa phương, cơ sở tiếp công dân còn qua loa, đại khái cho xong việc; đơn thư giải quyết không dứt điểm, đùn đẩy lên cấp trên. 

Kết quả tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo chưa cao; tiến độ tổ chức thực hiện các kết luận giải quyết tố cáo còn chậm, kéo dài, không có lộ trình giải quyết cụ thể và giải pháp khắc phục những sai phạm đã nêu trong kết luận; nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền cấp huyện đã thực hiện xong, nhưng chậm ban hành văn bản thông báo trả lời công dân, kết thúc vụ việc.

Một số vụ việc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, song các đơn vị quận, huyện chưa tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ của UBND thành phố và các sở, ngành chuyên môn…

Từ nay đến cuối năm 2017 và những năm tiếp theo, Thành phố Hà Nội đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, nghị quyết của thành phố liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn; tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, có chính sách luân chuyển, đề bạt đối với cán bộ tiếp công dân, thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều cống hiến.

Thành phố cũng tập trung thực hiện có hiệu quả Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; chế độ chính sách của Nhà nước về một số lĩnh vực thường phát sinh khiếu nại, tố cáo, như: Đất đai, giải phóng mặt bằng, dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp..., qua đó giúp nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và địa phương...

                                                                                                   P.V

;
.