Điện Biên: Thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Quyết định số 1473-QĐ/TU của Tỉnh ủy

Thứ Tư, 11/10/2017, 14:59 [GMT+7]
    Ngày 10-4-2017, Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Quyết định số 1473-QĐ/TU về việc Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; bảo vệ người phản ánh, tố giác, đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Qua 6 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 1473, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; bảo vệ người tố cáo đã được nâng lên.
 
    Theo Quy định, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, đơn vị, tổ chức; niêm yết công khai thông tin về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có); trực tiếp tiếp công dân để tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là về những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và các vụ việc nổi cộm, bức xúc tại địa phương, cơ quan, đơn vị. 
 
Đoàn công tác số 1 của  Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên (tháng 9-2017)
Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên (tháng 9-2017)
    Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì nói rõ việc trả lời sẽ thực hiện bằng văn bản hoặc không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người dân nơi cần liên hệ để giải quyết. Những ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân phải được thông báo bằng văn bản đến các bộ phận liên quan để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo.
 
    Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách tổ chức đối thoại trong các trường hợp: 1) Vụ việc nổi cộm, phức tạp, bức xúc tại địa phương, cơ quan, đơn vị. 2) Nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung. 3) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. 
 
    Lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến cơ quan, đơn vị đảm bảo đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật; trực tiếp xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý cán bộ. 
 
    Khi nhận được yêu cầu phối hợp của cơ quan, đơn vị, hoặc trưởng ban tiếp công dân cấp trên và cùng cấp thì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải cử người phối hợp tham gia giải quyết; cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc theo yêu cầu của người có thẩm quyền; chủ trì, phối hợp vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đúng quy định của Đảng và pháp luật về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chấp hành các quy định về bảo đảm an ninh trật tự địa phương.
 
    Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng bị xem xét xử lý kỷ luật khi vi phạm các quy định về khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
 
    Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo, nhất là phản ánh, tố giác, đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại cơ quan, đơn vị; bảo đảm yêu cầu bí mật, an toàn cho người tố cáo.
 
    Khi có thông tin người tố cáo, người thân của người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập hoặc nhận được đơn yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, người đứng đầu cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo người giải quyết trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo; chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình phụ trách.
 
    Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng bị xem xét kỷ luật khi không thực hiện hoặc thực hiện thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bảo vệ người tố cáo dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo bị xâm phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; có hành vi xâm phạm quyền tố cáo làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
                                                                                                           Cù Tất Dũng
;
.