Hoà Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Năm, 13/07/2017, 16:35 [GMT+7]
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoà Bình đã ban hành Kết luận số 69-KL/TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 14-3-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 10 nội dung đã nêu trong Chỉ thị số 24-CT/TU, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, phát triển, tăng trưởng kinh tế với duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế - xã hội tại các đơn vị nhằm phòng ngừa các vi phạm xảy ra. Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong công tác, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo; từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
 
    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý Nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng; đẩy mạnh việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đơn vị; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kê khai tài sản thu nhập. Chủ động nắm tình hình, giải quyết kịp thời những vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn; tăng cường đối thoại, xử lý dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, phản ánh của công dân; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. 
 
    Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nhằm ngăn ngừa, giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp, vai trò của cơ quan truyền thông và vai trò giám sát cộng đồng của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nguyễn Đoàn Cần
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hòa Bình)
;
.