Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang: Kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất

Thứ Hai, 19/12/2016, 14:57 [GMT+7]

Năm 2016, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII. Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang đã tham mưu xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đây là nhũng nghị quyết quan trọng, làm nền tảng để các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phân nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Bắc Giang (tháng 12-2016)
Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Bắc Giang (tháng 12-2016)

Trên cơ sở các nghị quyết, Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu xây dựng nội dung, kế hoạch để các huyện ủy, thành ủy cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể để triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Cùng với việc tham mưu, tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát, Ban Nội chính Tỉnh ủy còn tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Đoàn khảo sát, nắm tình hình thực hiện các định mức, tiêu chuẩn trong việc sử dụng, quản lý ngân sách Nhà nước và đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, tham mưu giúp cấp ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí, phòng ngừa sai phạm phát sinh.

6 tháng và cuối năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy có báo cáo đánh giá độc lập về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; kết quả hoạt động của các cơ quan nội chính và các chức danh tư pháp trong diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; nhũng vấn đề nổi lên trong công tác phối hợp của các cơ quan nội chính tỉnh. Qua đó, kiến nghị, đề xuất trực tiếp với Thường trực Tỉnh ủy các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, hiệu quả; chủ trì làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, nghe báo cáo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp, kéo dài, có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó trao đổi, thảo luận để tham mưu giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiến hành rà soát tổng thể việc xử lý các vụ án tham nhũng trên địa bàn, xây dựng báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về thực trạng tình hình, kiến nghị những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án trong thời gian tới; đề xuất Thường trực Tỉnh ủy lựa chọn một số vụ việc đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, góp phần nâng cao chât lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Việc phát huy vai trò chủ trì, đầu mối của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang đã tạo nhiều thuận lợi, góp phần giải quyết công việc được nhanh chóng, kịp thời nên chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên rõ nét. Để có được kết quả trên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất: Tranh thủ tối đa được sự quan tâm của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; đặc biệt là tranh thủ được sự ủng hộ, thống nhất về chủ trương của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác này. Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ phát sinh, Ban Nội chính Tỉnh ủy đều báo cáo nội dung tham mưu, xin ý kiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về chủ trương, định hướng giải quyết; qua đó, các nội dung tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy đều được sự đồng thuận, thống nhất cao của tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ hai: Làm tốt công tác tham mưu, giúp Thường trực tỉnh ủy chủ trì giao ban công tác nội chính định kỳ để đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian trướng và kịp thời định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo. Để làm tốt công tác này, Ban Nội chính Tỉnh ủy phải chủ động xây dựng báo cáo đánh giá độc lập tình hình nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng và công tác phối hợp thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy với các cơ quan nội chính. Báo cáo phải thể hiện rõ những tồn tại, hạn chế, quan điểm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy các cơ quan nội chính hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ ba: Chủ động tham mưu đối với những nhiệm vụ được giao, nhất là giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở; phân công các đồng chí lãnh đạo ban, các chuyên viên các phòng nghiệp vụ, văn phòng phụ trách theo dõi các huyện, thành ủy và các sở, ngành có liên quan để nắm thông tin, tình hình, định kỳ báo cáo lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy chỉ đạo; tổng hợp tình hình qua các cơ quan thông tấn, báo chí, qua giải quyết đơn thư khiếu nại, từ đó lựa chọn các vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm để tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm trưởng các đoàn kiểm tra, giám sát.

Thứ tư: Xây dựng quan hệ phối hợp chặt chẽ, hài hòa với các địa phương, đơn vị mà đặc biệt là các huyện ủy, thành ủy, các cơ quan nội chính tỉnh để phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.

Thứ năm: Đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ban Nội chính Tỉnh ủy. Đây là điều kiện tiên quyết trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, đòi hỏi phản có sự nỗ lực, nhạy bén, nắm bắt tình hình khoa học thì công tác tham mưu, giải quyết công việc của Ban Nội chính mới đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Cù Tất Dũng

;
.