Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Đà Nẵng

Thứ Hai, 24/10/2016, 17:00 [GMT+7]
    Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 1.121 lớp tuyên truyền pháp luật cho 357.891 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người dân; phát hành 140.076 đầu sách, tài liệu về phòng, chống tham nhũng.
 
    Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong của các ngành, đoàn thể, địa phương cũng được phát huy, như: tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; mở chuyên mục pháp luật phát sóng trên đài truyền thanh; xe tuyên truyền lưu động; hội nghị cán bộ, công chức; viên chức, các cuộc họp giao ban, lồng ghép trong sinh hoạt của hội, đoàn thể; phát tờ gấp nội dung Luật phòng, chống tham nhũng cho các hộ dân; cuộc họp tổ dân phố; mở lớp bồi dưỡng tập huấn… 
 
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại thành phố Đà Nẵng
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại thành phố Đà Nẵng
    UBND thành phố đã ban hành danh mục các vị trí, thời gian, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện.
 
    100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. 
 
    UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhằm chấn chỉnh kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng giải quyết yêu cầu của công dân và định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”, trong đó chỉ đạo thực hiện nội dung “5 xây” (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và “3 chống” (quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức) trong cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, triển khai để mỗi cá nhân, tập thể đăng ký nội dung và cam kết thực hiện, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ được giao. Đây cũng được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá phẩm chất đạo đức công vụ và thi đua hằng năm.
 
    Cơ chế “một cửa” được triển khai có hiệu quả đồng bộ ở cả 3 cấp: thành phố, quận, huyện và phường, xã. Cơ chế “một cửa liên thông” tiếp tục được duy trì hiệu quả tại 100% phường, xã, quận, huyện và được mở rộng kể tại các sở, ban, ngành. Đến nay, đã có 08 đầu mối thực hiện liên thông ở cấp sở, ngành. Mô hình một cửa hiện đại đã chính thức được đưa vào hoạt động tại 07/08 UBND quận, huyện (trừ UBND huyện Hoàng Sa), 30/56 UBND phường, xã và tại Trung tâm hành chính thành phố; 21/21 sở, ban, ngành. 29 thủ tục hành chính đã được ban hành và thống nhất giữa các sở, ban, ngành về cơ chế phối hợp; mở rộng cơ chế liên thông, liên kết trong giải quyết 31 thủ tục hành chính với việc ban hành 05 Đề án thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, cơ chế liên kết; có 147 thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp được triển khai nhanh hơn, tiết kiệm chi phí thời gian cho doanh nghiệp ước tính 28.022 ngày làm việc. Các sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương trên địa bàn cũng đã triển khai 75 thủ tục hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, có 26 giải pháp thân thiện hơn đã được thực hiện liên quan đến doanh nghiệp, trong đó nổi bật là mô hình hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đang được thực hiện tại 07 quận, huyện và một số phường, xã trên địa bàn thành phố.
 
    Trong giai đoạn từ năm 2007-2016, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý chuyên ngành đã được ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế) làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương. 
                                                                                    Thanh Hiếu
;
.