Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Linh hoạt, sáng tạo trong công tác kiểm tra, giám sát

Thứ Tư, 03/02/2016, 12:17 [GMT+7]

Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ nặng nề của ngành Nội chính Đảng. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này sẽ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ban nội chính. Ngay những ngày đầu hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính còn chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của đơn vị, thông báo đến các đơn vị được kiểm tra, giám sát và báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy.

Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiểm tra công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại Huyện Tam Dương
Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiểm tra công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại Huyện Tam Dương

Về phương pháp tiến hành, Ban Nội chính vận dụng linh hoạt quy định về kiểm tra, giám sát của Đảng. Về đối tượng, nội dung kiểm tra, giám sát trong Quy định số 183 ghi rõ: “Chủ trì hoặc phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Phối hợp với các cơ quan liên quan giúp tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng”. Theo đó, đối tượng kiểm tra, giám sát là “cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy” và “các cơ quan nội chính”. Quy định này đã giới hạn đối tượng kiểm tra, giám sát, nhất là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng xảy ra ở cấp cơ sở, các sở, ngành. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, xây dựng Quy chế phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp để tiến hành công tác kiểm tra, giám sát đối với các chi bộ, đảng bộ cơ sở tại các sở, ban, ngành, đoàn thể. Với sự linh hoạt, sáng tạo đó, Ban Nội chính đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tập trung vào lĩnh vực nội chính, ngân hàng. Kết quả cụ thể như sau:

Năm 2013, Ban Nội chính đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra và thành lập 03 Đoàn kiểm tra công tác thanh tra, kiểm tra các vụ việc, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ tại 09 huyện, thành, thị uỷ. Trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm tra của 03 Đoàn kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Thông báo kết luận nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại của cấp uỷ địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện tham nhũng, khởi tố, điều tra, truy tố, xứt xử các vụ án tham nhũng, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh 04 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Năm 2014, Ban Nội chính tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 85-KH/TU và Quyết định số 1906-QĐ/TU, ngày 26-04-2014 về việc “Kiểm tra Đảng ủy Thanh tra, Đảng ủy Công an, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc thanh tra các vụ, việc, việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ”. Qua công tác kiểm tra, Ban Nội chính phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; Đảng uỷ Thanh tra tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh cần phát huy những ưu điểm đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các đảng uỷ, ban cán sự đảng đối với công tác thanh tra các vụ việc, việc tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ trên địa bàn.

Năm 2014, Ban đã tiến hành giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của tổ chức đảng tại 08 ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã kiến nghị, chuyển cơ quan điều tra 03 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Qua hơn 02 năm hoạt động, Ban Nội chính đã tiến hành 16 cuộc kiểm tra, giám sát tại 25 đơn vị, trong đó có 16 chi, đảng bộ cơ sở. Qua kiểm tra, giám sát, Ban Nội chính đã kiến nghị cấp ủy, cơ quan, đơn vị khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tranh thủ tối đa sự ủng hộ, tin tưởng của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là nhân tố quan trọng để Ban Nội chính triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời từng bước nâng cao vị thế, vai trò của đơn vị trong công tác tham mưu cho cấp ủy trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Củng cố, tăng cường mối quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Nội chính và các cơ quan, đơn vị, nhất là với các cơ quan trong khối nội chính tỉnh. Tham mưu về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng luôn đòi hỏi trình độ, bản lĩnh và sự nhạy bén trong nắm bắt thông tin. Do đó, việc duy trì thường xuyên mối quan hệ phối hợp với các cơ quan nội chính sẽ giúp Ban Nội chính nắm bắt thông tin, tình hình nhanh hơn, chính xác hơn, từ đó tham mưu, đề xuất cho cấp ủy kịp thời hơn.

Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã luôn chủ động triển khai từng nhóm nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và để triển khai thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả. Ban chủ động xây dựng quy chế phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan, Đảng ủy Khối doanh nghiệp để thuận lợi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đến chi, đảng bộ cơ sở. Đây được coi là “chìa khóa” cho các kết quả đã đạt được trong công tác này của Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong thời gian qua.

Cù Tất Dũng

;
.