Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng: Kinh nghiệm xác minh, xử lý thông tin vụ việc và đơn, thư khiếu nại, tố cáo

Thứ Ba, 26/01/2016, 13:31 [GMT+7]
    Thời gian qua, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng đã xác minh, thu thập tài liệu, xử lý hàng trăm nguồn tin về vụ việc và đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, Ban đã tham mưu Thường trực Thành ủy chỉ đạo giải quyết hoặc Ban Nội chính trực tiếp yêu cầu, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết tốt từ cơ sở, không để diễn biến phức tạp. 
 
    Trong toàn bộ hoạt động của Ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng, việc xác minh, xử lý thông tin, vụ việc và đơn thư khiếu nại, tố cáo có vai trò hết sức quan trọng.  Không có công tác xác minh thông tin vụ việc và đơn thư thì không thể làm tốt chức năng tham mưu cho Thành ủy hoặc hướng dẫn cấp ủy cơ sở xử lý tốt các vụ việc và vấn đề nảy sinh. Nhờ xác minh thông tin vụ việc và đơn, thư; đánh giá đúng tình hình, thấy được những khó khăn bất cập trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở cơ sở, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng đã tham mưu Thành uỷ giải quyết tốt nhiều vụ việc, đồng thời có những chủ trương sát hợp để phòng ngừa chung, điển hình như: từ sai phạm trong quá trình cổ phần hoá Công ty Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Hải Phòng, Ban Nội chính Thành uỷ đã tham mưu Thành uỷ chỉ đạo chấn chỉnh công tác cổ phần hoá các doanh nghiệp; từ đơn của công dân (xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng) tố cáo sai phạm trong quản lý đất đai, đã tham mưu Thành uỷ chỉ đạo UBND các quận, huyện rà soát việc cho các doanh nghiệp thuê đất trên địa bàn; qua xác minh đơn tố cáo sai phạm xảy ra tại các xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy), xã Thuỷ Triều (huyện Thuỷ Nguyên), Ban đã hướng dẫn và thống nhất với cấp uỷ các địa phương về hướng giải quyết để đảm bảo vừa khắc phục hậu quả sai phạm, vừa sớm ổn định tình hình địa phương. 
 
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng
    Ban Nội chính tập trung xác minh những thông tin, đơn, thư phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức, phản ánh dấu hiệu tham nhũng hoặc vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Những đơn, thư, thông tin khác được chuyển cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
 
    Xây dựng quy trình xác minh, xử lý đơn, thư trong đó coi trọng việc xây dựng kế hoạch xác minh để đảm bảo tính chủ động, khoa học, tránh tùy tiện trong quá trình xác minh, thu thập tài liệu. Trong kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của việc xác minh. Những mục tiêu, yêu cầu đó thường là: tính xác thực trong thông tin, đơn, thư; đối với thông tin, đơn, thư phản ánh tiêu cực, tham nhũng hoặc vụ việc phức tạp về an ninh trật tự thì cần làm rõ: có dấu hiệu tội phạm xảy ra hay không; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan thế nào. Nếu việc xác minh không đạt được những yêu cầu này thì không có căn cứ tham mưu đề xuất với Thành ủy, hoặc việc Ban Nội chính Thành ủy yêu cầu, hướng dẫn các cơ quan chức năng, các địa phương giải quyết sẽ không sát hợp, thiếu hiệu quả.
 
    Bố trí cán bộ có năng lực và phương pháp làm việc khoa học; trong nhiều trường hợp, cán bộ xác minh phải xuống thực địa, nghiên cứu kỹ lưỡng hiện trường thì mới có thể đánh giá, nhận định sát hợp. Do vậy, Ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng đã quan tâm ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức có kinh nghiệm từ các cơ quan tư pháp.
 
    Qua thực tiễn công tác xác minh, xử lý thông tin vụ việc và đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng nhận thấy hiện nay còn thiếu cơ sở chính trị, pháp lý cho hoạt động xác minh, xử lý thông tin vụ việc, đơn, thư của Ban Nội chính Thành uỷ.
 
    Mặc dù Ban Nội chính Trung ương đã có Quy định số 22-QĐ/BNCTW, ngày 28-7-2014 quy định “Quy trình xác minh đơn khiếu nại, tố cáo; thông tin phản ánh vi phạm trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy định do Trưởng Ban Nội chính Trung ương ban hành; các vụ, đơn vị, chuyên viên thuộc Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm thực hiện. Bên cạnh đó, một số cán bộ các ban đảng, cơ quan nội chính, các ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức đúng, cho rằng Ban Nội chính Thành ủy không có chức năng xác minh, thu thập thông tin, tài liệu và khi nhận được đơn, thư thì Ban Nội chính có trách nhiệm chuyển cho ủy ban kiểm tra hoặc cấp ủy địa phương giải quyết (nếu có dấu hiệu vi phạm của đảng viên) hoặc chuyển cho cơ quan điều tra (nếu đó là tố giác, tin báo tội phạm). Còn có sự nhầm lẫn giữa công tác xác minh thông tin vụ việc, đơn thư của Ban Nội chính với công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thấy rằng nếu không xác minh thông tin vụ việc, đơn, thư thì Ban Nội chính không thể thực hiện được chức năng tham mưu ban thường vụ, thường trực cấp uỷ.
 
    Từ thực tiễn cho thấy sự cần thiết có một quy định cụ thể của Ban Bí thư Trung ương về thẩm quyền của Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, trong đó có quy định về công tác xác minh thông tin vụ việc, đơn, thư khiếu nại tố cáo về nội chính và phòng, chống tham nhũng, quy định các cơ quan tư pháp có tránh nhiệm in sao, cung cấp tài liệu, hồ sơ các vụ việc, vụ án đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của ban nội chính, làm cơ sở chính trị cho hoạt động của ban nội chính các cấp. Có như vậy, ban nội chính các cấp mới có khả năng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu của Đảng, là trung tâm phối hợp hiệp đồng trong thực hiện nhiệm vụ nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Cù Tất Dũng
;
.