Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng: Tham mưu, đề xuất giải quyết vướng mắc giữa các cơ quan tư pháp trong xử lý các vụ án hình sự

Thứ Sáu, 22/01/2016, 10:35 [GMT+7]
    (BNCTW) - Những năm qua, các cơ quan tư pháp Thành phố Đà Nẵng thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, còn có một số vụ, việc các ngành chưa thống nhất quan điểm xử lý. 
 
    Ngay sau khi thành lập, Ban Nội chính Thành ủy đã chủ trì, phối hợp các cơ quan xây dựng, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Thành ủy với Đảng ủy Công an, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân thành phố.
 
    Qua theo dõi hoạt động của các ngành tư pháp, nhất là trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, do chưa thống nhất trong việc đánh giá chứng cứ thu thập được trong hồ sơ nên một số vụ án hình sự chưa có sự thống nhất giữa các ngành về hướng xử lý, vì vậy kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Nhận thấy vấn đề này, Ban Nội chính Thành ủy đã chủ động báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy và chủ trì làm việc với các ngành để phân tích, làm rõ tình tiết vụ việc, đánh giá chứng cứ, qua đó, định hướng để các ngành thống nhất quan điểm xử lý, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, điển hình là các vụ việc:
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Nội chính Thành uỷ Đà Nẵng (Ảnh Đăng Linh)
Đồng chí Võ Văn Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Nội chính Thành uỷ Đà Nẵng (Ảnh Đăng Linh)
    Vụ án “Giết người, cố ý gây thương tích và che dấu tội phạm” xảy ra vào ngày 21-8-2014 tại quán Tỷ Muội, đường Nguyễn Tất Thành, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
 
    Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã kết luận điều tra, gửi Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đề nghị truy tố 08 bị can, trong đó có một bị can bị truy tố về tội che dấu tội phạm. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã có văn bản trả lời không đủ căn cứ để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, vì hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội che dấu tội phạm.  Ban Nội chính Thành ủy đã chủ trì họp liên ngành Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố để thống nhất hướng xử lý. Mặc dù vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử nhưng nhìn chung, dưới sự theo dõi, đôn đốc và định hướng của Ban Nội chính Thành uỷ, các ngành đã thống nhất với nhau về quan điểm xử lý vụ án.
 
    Vụ án LTNM bị Viện Kiểm sát nhân dân quận truy tố và Toà án nhân dân quận Thanh Khê xét xử sơ thẩm với mức án 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê ra quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ bị can. 
 
    Đây là vụ án hết sức phức tạp, một số báo có bài viết bình luận về vụ việc này cho rằng LTNM là phụ nữ đơn thân nuôi con “chân yếu tay mềm” nên việc phạm tội là khó có khả năng. Trong khi thực tế lại khác, LTNM cao lớn gần như gấp đôi ông N nên việc đánh và khống chế ông N để lấy tài sản là có cơ sở. Ban Nội chính Thành uỷ đã đề nghị Thường trực Quận ủy, các ngành tố tụng quận Thanh Khê và thành phố cho ý kiến về quan điểm xử lý vụ việc. Trên cơ sở đó, Ban Nội chính Thành uỷ đã tổng hợp và trực tiếp báo cáo Bí thư Thành uỷ xin ý kiến và đề xuất giao Ban Nội chính Thành uỷ chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo Quận uỷ và Thủ trưởng các cơ quan tố tụng quận, thành phố. Các thành viên thống nhất cao đề nghị Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố có ý kiến với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ để các cơ quan tố tụng thành phố xem xét, giải quyết lại vụ án theo hướng hành vi của LTNM cấu thành tội “cướp tài sản”. 
 
    Để giải quyết vướng mắc giữa các cơ quan tư pháp trong xử lý các vụ án hình sự được thống nhất, đúng pháp luật, Ban Nội chính Thành uỷ tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các cơ quan nội chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy chế phối hợp, nhất là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp để kịp thời phát hiện vướng mắc trong việc xử lý vụ án của các ngành.
 
    Chủ động làm việc với các ngành để xác định nội dung vướng mắc, kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy và chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành để các ngành nêu quan điểm, phân tích, làm rõ tình tiết vụ việc, chứng cứ trên cơ sở đó thống nhất quan điểm xử lý giữa các ngành; các cuộc họp liên ngành đề nghị phải có Thủ trưởng các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án để việc thống nhất quan điểm và triển khai thực hiện ý kiến thống nhất sau cuộc họp được thuận lợi hơn. 
 
    Trong quá trình theo dõi, định hướng các ngành trong xử lý các vụ án hình sự, Ban Nội chính không can thiệp vào chuyên môn của các ngành mà chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ thu thập được để đánh giá khách quan, toàn diện, đúng bản chất của sự việc; kịp thời báo cáo, tham mưu Thường trực cho ý kiến và giao Ban Nội chính triển khai thực hiện.  
 
    Từ việc chủ động nắm tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp, Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác nội chính, nhất là hoạt động của các cơ quan tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp và công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính, được các cơ quan tư pháp, Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng đánh giá cao.
Cù Tất Dũng
;
.