Kon Tum: Giám sát hoạt động xét xử một số vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân hai cấp

Thứ Năm, 13/11/2014, 15:16 [GMT+7]

  Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum tiến hành giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xét xử một số vụ án dân sự của Ban cán sự đảng và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Kon Tum.

 Những năm qua, tập thể Ban cán sự đảng, đứng đầu là đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Kon Tum đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Toà án nhân dân hai cấp triển khai thực hiện có kết quả đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến nhiệm vụ công tác của ngành.

Trong công tác xét xử các loại án nói chung, xét xử án dân sự nói riêng, Ban cán sự đảng quan tâm theo dõi, đánh giá thực tiễn hoạt động xét xử trong toàn ngành; hàng năm tiến hành tổng kết rút ra những ưu điểm để nhân rộng và phát huy, những tồn tại, hạn chế để tập trung khắc phục. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 bảo đảm nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, đồng chí Bí thư Ban cán sự - Chánh án TAND tỉnh có nơi, có lúc, có việc chưa kịp thời, sâu sát, toàn diện, nên việc thụ lý và giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án nhân dân hai cấp còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

Một số trường hợp vi phạm về trình tự, thủ tục hoặc đánh giá, nhận định thiếu toàn diện bản chất vụ việc, có vụ, việc xác định không đúng mối quan hệ pháp luật (vụ án dân sự nhưng xác định vụ án kinh doanh, thương mại) dẫn đến áp dụng sai pháp luật để giải quyết, nên đã bị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định Giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để xét xử lại từ đầu.

Một số vụ, việc dân sự có liên quan đến các tranh chấp, khiếu kiện trước đó đã được chính quyền địa phương thụ lý, giải quyết và đã có kết luận về kết quả giải quyết vụ, việc; tuy nhiên, khi đương sự yêu cầu cơ quan Tòa án có thẩm quyền giải quyết, thì thẩm phán đã không nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ việc, tình hình thực tế ở địa phương nên đưa ra những phán quyết thiếu đồng thuận, có trường hợp trái ngược với kết luận của chính quyền địa phương, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Có trường hợp, bản án, quyết định của Tòa án tuyên, nhưng chưa xem xét một cách khách quan, toàn diện vụ việc, chưa chú ý đến phong tục, tập quán địa phương, điều kiện hoàn cảnh thực tế của các bên, chưa đạt lý - thấu tình nên việc tổ chức thi hành án kéo dài; có vụ việc không thể thi hành, vì nếu tổ chức cưỡng chế thi hành sẽ gây tác động bất lợi đến an ninh trật tự tại địa phương.

Hiện nay, tại các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh còn nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài chưa thể thi hành án, do bản án, quyết định của Tòa án không có tính khả thi.

 Đoàn giám sát kiến nghị Ban cán sự đảng, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh phát huy những kết quả đạt được; có giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Riêng đối với những bản án dân sự còn tồn đọng, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan Tòa án nâng cao trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thi hành án, chính quyền địa phương bàn bạc tìm giải pháp cụ thể, hợp lý, hợp tình để tổ chức thi hành, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Thái Văn Ngọc

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)

;
.