Hội nghị giao ban 21 Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực phía Nam lần thứ nhất năm 2014

Thứ Ba, 25/03/2014, 09:12 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 21-3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban 21 Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực phía Nam lần thứ nhất. Tham dự có 90 đại biểu là Trưởng Ban, Phó trưởng Ban, cán bộ thuộc 21 Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực phía Nam. Đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tuy mới được thành lập, song 21 tỉnh ủy, thành ủy phía Nam đã thành lập các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy; kiện toàn bộ máy tổ chức và đi vào hoạt động. Đến nay, 21 tỉnh ủy, thành ủy đã có Trưởng Ban Nội chính; 39 đ/c Phó trưởng Ban; 51 đ/c Trưởng Phòng và tương đương; 76 đ/c Phó trưởng Phòng và tương đương; 370 đ/c biên chế chính thức, biệt phái và hợp đồng (trong đó 271 đ/c thuộc biên chế chính thức, 17 đ/c Công an biệt phái, 01 đ/c Thi hành án dân sự biệt phái, 81 đ/c diện hợp đồng).

Đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị
Đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị

Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập văn phòng và các phòng nghiệp vụ đúng theo quy định (01 văn phòng và 2 phòng nghiệp vụ. Riêng Hậu Giang và Bạc Liêu chỉ thành lập văn phòng và 01 phòng nghiệp vụ); ban hành quy chế hoạt động; thành lập các tổ chức Đảng, Đoàn thể…

Sau khi được thiết lập và đi vào hoạt động, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam đã triển khai thực hiện nhiệm vụ, tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy nhiều công việc trọng tâm quan trọng:

Ban Nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ đã tích cực, chủ động phối hợp cùng với các cơ quan chức năng làm tốt công tác nắm tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội tại địa phương. Tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, đấu tranh, kiểm soát và vô hiệu hóa nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam.

Các địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tham mưu cho cấp ủy theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc do các Đoàn công tác kiến nghị theo Kế hoạch 16-KH/TW ngày 05-8-2013 và kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tiến hành kiểm tra phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và đề xuất xử lý các hành vi tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Nhiều Ban Nội chính làm tốt vai trò tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức; sơ kết, tổng kết theo định kỳ và theo yêu cầu chuyên đề của Trung ương; kiểm tra, giám sát; ban hành nhiều loại văn bản cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tiếp tục theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Kế hoạch số 16-KH/TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng).

Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực phía Nam cũng đã chủ động tham mưu đề xuất trong việc ban hành quy chế phối hợp, tập huấn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo phân công cán bộ theo dõi công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở cấp huyện; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng kiêm nhiệm; chủ động theo dõi phát hiện, đề xuất xử lý các vụ án tham nhũng, oan sai; tăng cường phối hợp công tác nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo, kiểm tra để nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử; rà soát, tham mưu đưa vào danh sách các vụ việc Ban Thường vụ theo dõi; thành lập tổ kiểm tra công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xử lý có hiệu quả nhiều vụ án, vụ việc bức xúc khó khăn kéo dài; tiếp nhận và tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; duy trì đều đặn việc ban hành điểm báo tuần; tham mưu, thực hiện các vấn đề khác liên quan công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng…

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính ở một số địa phương còn hạn chế; một số Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy chưa chủ động tham mưu ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thành uỷ với các cơ quan liên quan ở địa phương. Tiến độ điều tra truy tố xét xử một số vụ án liên quan đến tham nhũng ở một số địa phương còn chậm, còn trả lại điều tra bổ sung; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn trên lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng chưa thực hiện thường xuyên; việc theo dõi, nắm tình hình chưa toàn diện, còn bị động; việc trưng cầu giám định trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án…

Tại Hội nghị các ý kiến phát biểu thống nhất cao với nội dung báo cáo về nội chính và phòng, chống tham nhũng của khu vực phía Nam, tình hình tổ chức và hoạt động của các Ban Nội chính của khu vực phía Nam kể từ ngày thành lập và đi vào hoạt động đến nay. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đã nêu lên một số những khó khăn, vướng mắc tại địa phương và đề nghị Ban Nội chính Trung ương: (1) Chỉ đạo thống nhất việc phân công phụ trách công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở cấp huyện; (2) Ban hành các quy chế phối hợp để địa phương có cơ sở vận dụng và thực hiện thống nhất; (3) Hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ tham gia ý kiến về công tác cán bộ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy; hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính địa phương (theo Quy định 183-QĐ/TW); (4) Tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ Ban Nội chính địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy trên địa bàn khu vực phía Nam. Dù mới được thành lập còn gặp nhiều khó khăn, vừa kiện toàn tổ chức nhân sự, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng các Ban Nội chính đã hoàn thành nhiều công việc.

Đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, kết quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trước hết tùy thuộc vào vai trò trách nhiệm, bản lĩnh và tính chủ động của đồng chí Trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy và sự phối hợp với các ngành chức năng. Dù vậy, các Ban Nội chính khu vực phía Nam cần tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra.

Một số vướng mắc và kiến nghị của địa phương, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận có trách nhiệm báo cáo đồng chí Trưởng Ban, cùng lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu xem xét và có biện pháp tháo gỡ.                                                                       

                                                                             Trần Hoàng Kiếm

 

;
.