Hội thảo khoa học "Pháp luật về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã ở Việt Nam"

Thứ Hai, 09/09/2013, 16:28 [GMT+7]

Ngày 9-9-2013, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Pháp luật về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã ở Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nhà nước và pháp luật.

Luật phá sản năm 2004 đã đi vào thực tiễn giải quyết phá sản để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh cho các chủ thể kinh doanh; giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thực hiện cho thấy, trong tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, có tới 153 vụ việc Tòa án chưa ra Quyết định tuyên bố phá sản; trong đó lý do chủ yếu là chưa thu hồi được các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã, chưa bán được các tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày các tham luận: Quan niệm về phá sản, phá sản doanh nghiệp; Sự khác biệt giữa phá sản và giải thể doanh nghiệp; Thực trạng pháp luật phá sản ở Việt Nam và dự kiến sửa đổi Luật phá sản; Phá sản các doanh nghiệp đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Qua trao đổi, thảo luận cho thấy, Luật phá sản hiện hành còn có nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế: thủ tục phá sản còn rườm rà, chưa phù hợp; một số quy định của pháp luật về phá sản còn chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau; quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chưa phù hợp; không điều chỉnh phá sản cá nhân mà chỉ điều chỉnh phá sản doanh nghiệp; chưa quy định bao quát hết các tài sản của con nợ khi thực hiện tuyên bố phá sản doanh nghiệp; thiếu quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định thu hồi tài sản hoặc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến tài sản bị thu hồi; chưa phát huy dược vai trò của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan đăng ký quyền sở hữu; quy định về thủ tục phục hồi chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả trên thực tế… Do vậy, một số các đại biểu đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật đối với các hộ gia đình, tổ hợp tác, các trường trung cấp, cao đẳng…; chuyên môn hóa hoạt động giải quyết phá sản để tạo động lực cho việc thực hiện hoạt động này. Giảm bớt thời gian, chi phí tiền bạc để doanh nghiệp phá sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tái sinh lại. Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản theo hướng tăng khoản tiền tối thiểu và thời hạn trả nợ. Sửa đổi quy định về các dấu hiệu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Có những quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn... Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật phá sản chỉ có ý nghĩa khi các quy định liên quan đến xử lý tài sản trong các Luật khác cũng được sửa đổi đồng bộ, thống nhất để đem lại hiệu quả, khả thi trên thực tế.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá cao các ý kiến tham luận và sự tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật phá sản 2004. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo giúp Viện Nghiên cứu Lập pháp tổng hợp, phục vụ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ do Viện chủ trì; đồng thời, đề xuất Ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo, góp phần sửa đổi, bổ sung, xây dựng Luật phá sản hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình mới của đất nước.

Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.