Giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị

Thứ Tư, 18/09/2013, 09:12 [GMT+7]

Thực hiện Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 09/8/2013 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu  nại, tố cáo. Từ 10-9 đến 13-9-2013, Đoàn Kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy gồm: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Ngọc Bình - Trưởng Ban Nội chính làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại Thành ủy Vĩnh Yên, Thị ủy Phúc Yên, Huyện ủy Tam Dương và Huyện ủy Bình Xuyên.

Đây là những địa phương tập trung các dự án trọng điểm của tỉnh, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nên nhu cầu thu hồi đất rất lớn. Vấn đề xung đột lợi ích giữa nhân dân và nhà nước khi tiến hành thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng làm nảy sinh khiếu nại, tố cáo. Đây cũng là những địa phương tồn tại nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp.

Đoàn kiểm tra, giám sát Tỉnh ủy làm việc tại Thị ủy Vĩnh Yên
Đoàn kiểm tra, giám sát Tỉnh ủy làm việc tại Thị ủy Phúc Yên

Sau 5 năm triển khai thực hiện Thông báo số 130-TB/TW, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương đã có những chuyển biến tích cực: Vĩnh Yên từ một “điểm nóng” của tỉnh về khiếu nại, tố cáo đã trở thành một "điểm sáng" trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trên các lĩnh vực như đất dịch vụ, giải phóng mặt bằng; Phúc Yên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ đối với giải quyết hồ sơ tồn đọng trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài; Tam Dương và Bình Xuyên đã có nhiều cố gắng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đến công tác tiếp dân, còn chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gây bức xúc trong nhân dân và đã dẫn đến việc khiếu kiện vượt cấp; Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cấp xã vẫn còn; Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai của một số xã, phường bị buông lỏng trong thời gian dài; Công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tốc cáo đã có hiệu lực chưa được tiến hành thường xuyên, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân; Năng lực, ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên hiệu quả tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư chưa cao.

Phòng ngừa và nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn kiểm tra, giám sát đề nghị các huyện, thành, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

Một là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tránh đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ cho cấp phó. Các đồng chí thành ủy viên chủ động rà soát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã, hạn chế những vụ việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Hai là, thường xuyên thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp; xử lý nghiêm minh các trường hợp thiếu trách nhiệm, đùn đẩy.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Bốn là, thường xuyên rà soát đơn thư tồn đọng, kéo dài; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp có thẩm quyền.

Năm là, tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như: quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tài chính...theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Sáu là, tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của công dân; chú trọng thực hiện công khai minh bạch và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để giảm thiểu phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân.

Bảy là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ; xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, đảng viên sai phạm.

Tám là, tiếp tục nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải, góp phần tích cực giải quyết tranh chấp ngay từ cơ sở.

Qua các buổi làm việc cho thấy: giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp có vai trò quan trọng. Đây cũng chính là nội dung trọng tâm của Thông báo số 130-TB/TW.

                                                                        Nguyễn Thị Vân Anh

                                                                      (Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)

 

;
.