Những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân

Thứ Tư, 22/05/2013, 20:47 [GMT+7]

Thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã tiến hành nhiều biện pháp, phối hợp với Cơ quan điều tra Bộ Công an để nắm, quản lý, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, bị can; đề ra nhiều yêu cầu điều tra; phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án để họp bàn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nhất là những vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ được dư luận xã hội quan tâm… Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự của VKSND tối cao trong thời gian qua tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ tháng 12-2012 đến giữa tháng 4-2013, VKSND tối cao đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 168 vụ/855 bị can. Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 25 vụ/94 bị can (đạt 14,9%); đình chỉ 01 vụ/03 bị can; chuyển nơi khác 03 vụ/01 bị can. VKSND tối cao thụ lý 60 vụ/266 bị can; đã giải quyết 39 vụ/139 bị can (đạt 61,6%).

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hình sự, quản lý, kinh tế chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp phát triển của thực tiễn, nhất là quy định về tội phạm kinh tế, chức vụ và tham nhũng; các văn bản hướng dẫn chậm ban hành, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong giải quyết án hình sự.

Những vụ án do VKSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đều là những vụ án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương, nhất là những vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, những vụ án liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng, những vụ án có yếu tố nước ngoài, công nghệ cao. Quá trình giải quyết vụ án thường gặp nhiều khó khăn, áp lực. Việc giải quyết nhiều vụ án hình sự còn kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu. Quá trình giải quyết các vụ án, nhất là vụ án tham nhũng dường như thời hạn càng kéo dài, tính chất vụ án càng có xu hướng giảm bớt mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ những quy định của pháp luật hình sự như chưa dự liệu hết những hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình hình mới; một số quy định về thời hạn tố tụng chưa chặt chẽ, nhiều hoạt động tố tụng chưa bị ràng buộc bởi thời hạn tố tụng (như việc giám định)… Mặt khác, do sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết một số vụ án; còn tình trạng điều tra không đúng thẩm quyền, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.

Trình độ Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán chưa đồng đều, một số còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức, quan điểm trong việc giải quyết một số vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu thống nhất. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương với địa phương trong việc giải quyết một số vụ án còn chưa tốt,… ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giải quyết các vụ án.

Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, công tác giám định phục vụ giải quyết án còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là giám định liên quan đến tài chính, đất đai, xây dựng… thường kéo dài, chi phí lớn, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả giải quyết các vụ án.

Để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị: 1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ trong tình hình hiện nay; 2) Ban Nội chính Trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan tư pháp Trung ương đẩy mạnh việc phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, nhất là hướng dẫn áp dụng quy định về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định trong Bộ luật hình sự để phục vụ kịp thời công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, tội phạm về kinh tế, chức vụ; 3) Ban Nội chính Trung ương tăng cường chỉ đạo, giám sát các cơ quan nội chính Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng kéo dài; 4) Đảng, Nhà nước quan tâm bổ sung biên chế đối với ngành Kiểm sát nhân dân, bảo đảm cho ngành Kiểm sát nói chung và VKSND tối cao nói riêng thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và cơ sở, vật chất cho ngành Kiểm sát nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ; bổ sung thêm cho ngành Kiểm sát các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiệp vụ.

P.V

;
.